Bạn là ?
Ngành luật là một trong những đơn vị không thể thiếu của hệ thống pháp luật. Trong thời đại hiện nay, luật ngày càng trở thành sự lựa chọn của nhiều người, bởi nhu cầu lớn về nguồn nhân sự, đồng thời đây cũng là một trong những ngành mang đến rất nhiều cơ hội việc làm.
Đáp án cho câu hỏi sinh viên học luật ra làm gì vô cùng đa dạng, phụ thuộc rất lớn vào chuyên ngành học của bạn.
Mỗi chuyên ngành học khác nhau sẽ mang đến cơ hội việc làm khác nhau, cụ thể:
Luật dân sự là một trong những ngành luật quan trọng của hệ thống pháp luật tại Việt Nam, bao gồm tất cả các quy phạm điều chỉnh về quan hệ tài sản và nhân thân trong các giao dịch dân sự.
Thông thường tại các cơ sở đào tạo trên nước ta hiện nay, không sắp xếp luật dân sự thành một chuyên ngành riêng về luật dân sự. Sinh viên sẽ được đào tạo các môn học liên quan đến luật dân sự trong các chuyên ngành như luật học, luật kinh tế.
Luật dân sự không chỉ là nền tảng để sinh viên học các môn học khác mà còn là nền tảng kiến thức cho công việc sau này.
Sinh viên tốt nghiệp nếu có kiến thức tốt về luật dân sẽ có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp như làm việc tại các công ty luật, tòa án, viện kiểm sát hoặc trở thành luật sư chuyên về dân sự với các mảng như đất đai, hôn nhân và gia đình, tranh chấp tài sản…
Ngoài ra bạn cũng có thể làm việc tại cơ quan Nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang bộ, sở, phòng và đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước…
Hành chính là một trong những ngành luật cơ bản của hệ thống pháp luật hiện nay, điều chỉnh các hoạt động hành chính và những mối quan hệ xã hội có tính chấp hành.
Tại các cơ sở đào tạo trên cả nước hiện nay không có chuyên ngành riêng cho luật hành chính, thay vào đó sinh viên sẽ được đào tạo các môn học có liên quan như luật hành chính, luật xử lý vi phạm hành chính, các luật chuyên ngành khác…
Cũng bởi vậy mà trong quá trình theo học luật hành chính tại trường, rất nhiều người thắc mắc sinh viên học luật ra làm gì?
Với khối kiến thức đồ sộ về lý luận Nhà nước, cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm như chuyên viên, cán bộ viên tại Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan thuế, sân bay, cửa khẩu hoặc hải quan…
Ngoài ra bạn cũng có thể ứng tuyển các vị trí luật sư hoặc chuyên viên chuyên về hành chính tại các công ty luật.
Tương tự như dân sự và hành chính, hình sự cũng chỉ là một trong những môn học cơ bản trong chương trình đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo luật trên cả nước.
Tốt nghiệp cử nhân luật, nếu yêu thích và có nền tảng tốt về môn học này, ứng viên có cơ hội làm việc tại các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát hoặc cơ quan công an.
Đối với các công ty, doanh nghiệp nằm ngoài nhà nước, ứng viên có thể ứng tuyển vị trí chuyên viên tư vấn pháp luật hình sự tại trung tâm hỗ trợ pháp lý, công ty luật hoặc trở thành luật sư chuyên phụ trách mảng hình sự.
Luật Kinh tế là một trong những ngành đang cực hot tại khắp các cơ sở đào tạo ngành luật trên cả nước. Bởi vậy mà học luật kinh tế ra làm gì cũng là một trong những vấn đề được rất nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, bên cạnh câu hỏi học ngành luật ra làm gì.
Hầu hết các trường hiện nay đều có chuyên ngành luật kinh tế để sinh viên lựa chọn, một số trường như tại Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên ngành này còn có tên là luật kinh doanh.
Có bằng cử nhân chuyên ngành luật kinh tế, sinh viên có nền tảng cơ bản để giải quyết các vấn đề về hoạt động pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Bạn có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp với vị trí nhân viên pháp chế, trở thành nhân viên tư vấn hoặc làm việc tại các trung tâm trọng tài thương mại, tòa án kinh tế, sở thương mại, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục hải quan…
Cơ hội cho vị trí luật sư kinh tế hiện nay cũng vô cùng rộng mở, là cơ hội mà nhiều sinh viên chuyên ngành luật kinh tế đang hướng tới.
Những năm gần đây, luật thương mại quốc tế cũng là một trong những ngành được nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Vậy sinh viên học luật ra làm gì và cơ hội nghề nghiệp của ngành luật thương mại quốc tế là gì?
Với khối kiến thức chuyên về hoạt động thương mại giữa các quốc gia, sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành luật thương mại quốc tế có thể ứng tuyển các vị trí trong cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực thương mại quốc tế như các Bộ, các Sở, các sứ quán, cục hải quan…
Bên cạnh cơ hội trong khối Nhà nước, ứng viên cũng có thể ứng tuyển và làm việc tại các công ty nước ngoài, cơ quan quốc tế hoặc trung tâm tư vấn pháp luật với các vị trí như tư vấn viên, pháp chế hoặc luật sư.
Rất nhiều người lầm tưởng luật thương mại quốc tế và luật quốc tế là một, tuy nhiên đây là hai ngành khác nhau. Luật quốc tế ngoài đào tạo chuyên ngành thương mại quốc tế còn có thêm các nội dung về công pháp, tư pháp quốc tế. Hiện nay, chỉ có một số cơ sở đào tạo ngành luật quốc tế như Học viện Ngoại giao.
Ứng viên tốt nghiệp ngành luật quốc tế có nền tảng và cơ sở để ứng tuyển vào cơ quan Nhà nước (cơ quan ngoại giao, đại sứ quán…) hoặc làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan quốc tế, công ty luật.
Quản trị luật cũng là một trong những ngành học không quá phổ biến bởi vậy rất nhiều người lo lắng học luật ra trường làm gì, sẽ khó xin việc nếu theo ngành này.
Tuy nhiên khi theo học ngành quản trị luật, sinh viên ngoài những kiến thức chung còn được trang bị thêm kiến thức về đầu tư, kinh doanh và quản trị.
Tốt nghiệp ngành này sẽ giúp cho bạn có thêm nhiều cơ hội làm việc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Mỗi ngành hoặc chuyên ngành học sẽ mang đến cho sinh viên thế mạnh nhất định, do đó để sau này không cần phải hoang mang hoặc băn khoăn học luật ra làm gì, bạn cần tìm hiểu thật kỹ cơ hội việc làm của từng ngành.
Nếu còn băn khoăn học luật ra làm gì bạn hoàn toàn có thể yên tâm, bởi ngành này mang đến cho sinh viên rất nhiều cơ hội hấp dẫn. Dưới đây là top 10 việc làm ngành luật hot nhất hiện nay mà bạn có thể tham khảo:
Luật sư là đáp án phổ biến nhất cho câu hỏi “Sinh viên học luật ra làm gì?”. Đây cũng là vị trí công việc được nhiều người trẻ hướng đến.
Luật sư được hiểu là người đáp ứng đầy đủ các tiêu chí hành nghề theo quy định của pháp luật, là người thực hiện các dịch vụ pháp lý như đại diện theo ủy quyền, tư vấn hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, thực hiện các thủ tục tố tụng…
Ngoài luật sư, người tốt nghiệp ngành luật còn có rất nhiều cơ hội khác, trong đó có thể kể đến chuyên viên pháp lý.
Họ là những người làm việc tại các công ty hoặc văn phòng luật, thực hiện các công việc liên quan đến luật pháp theo sự chỉ đạo của cấp trên. Một số công việc phổ biến của chuyên viên pháp lý có thể kể đến như nghiên cứu hợp đồng, soạn thảo và hoàn thiện hồ sơ hoặc văn bản pháp lý.
Nhiều luật sư cũng có xuất phát điểm từ chuyên viên pháp lý, bạn có thể thử sức công việc này trong quá trình tham gia các lớp đào tạo luật sư, vừa để có thêm thu nhập vừa trau dồi kinh nghiệm về pháp lý.
Pháp chế cũng là một lựa chọn khả dĩ cho câu hỏi học luật ra làm gì, bởi đây là vị trí vô cùng quan trọng và phổ biến tại hầu hết các doanh nghiệp hiện nay.
Nhân viên pháp chế là người trực tiếp tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề pháp lý với cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Công chứng viên được hiểu là những người làm việc tại văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng, chịu trách nhiệm kiểm tra, chứng nhận tính xác thực và hợp pháp của hợp đồng hoặc các giao dịch dân sự khác, của văn bản khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật.
Theo quy định hiện nay thì công chứng viên là một trong những ngạch công chức của ngành tư pháp, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề.
Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định pháp luật, thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Một trong những tiêu chuẩn để trở thành kiểm sát viên là đã tốt nghiệp cử nhân luật trở lên và đã được đào tạo về nghiệp vụ của ngành kiểm sát.
Do đó đây cũng là một trong những vị trí được nhiều người quan tâm, sau khi tốt nghiệp cử nhân luật bạn có thể tiếp tục ôn thi kỳ thi công chức ngành kiểm sát hoặc gửi thông tin xét tuyển và thực hiện theo đúng lộ trình để có thể trở thành kiểm sát viên.
Tốt nghiệp cử nhân luật mang đến cho người lao động nhiều cơ hội nghề nghiệp, trong đó không thể không kể đến thư ký tòa án.
Họ là những người được bổ nhiệm và đào tạo nghiệp vụ thư ký Tòa án, thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động tố tụng, làm thư ký phiên tòa và các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án.
Tuy nhiên để có thể trở thành thư ký tòa án, sau khi có bằng cử nhân, bạn cần thi tuyển công chức và trải qua rất nhiều vòng thi, học thêm nghiệp vụ ký tòa rồi mới đủ điều kiện để được bổ nhiệm.
Giảng viên ngành luật là người trực tiếp giảng dạy các môn học, chuyên ngành về pháp luật, có thể giảng dạy trực tiếp tại các cơ sở đào tạo nghề luật trên cả nước hoặc các cơ sở giáo dục khác.
Muốn trở thành giảng viên ngành luật, trước tiên người lao động cần tốt nghiệp ngành luật và có bằng thạc sĩ, đáp ứng các tiêu chuẩn tuyển dụng từ phía nhà trường.
Thẩm phán là người đáp ứng đầy đủ điều kiện theo tiêu chuẩn do pháp luật quy định, được Chủ tịch nước bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử trong hệ thống tư pháp của Việt Nam.
Một trong những tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán là đã tốt nghiệp trình độ cử nhân luật trở lên nhưng người lao động cần phải trải qua quá trình đào tạo và công tác vô cùng dài mới có thể trở thành thẩm phán.
Dù vậy đây vẫn là một trong những lựa chọn tốt cho những ai đang băn khoăn học luật ra làm gì.
Người tốt nghiệp cử nhân luật có rất nhiều cơ hội việc làm, trong đó có thể kể đến điều tra viên.
Họ là những người đủ điều kiện để đảm nhiệm công việc điều tra hình sự trong các vụ án. Có 3 ngạch điều tra viên hiện nay là điều tra viên sơ cấp, điều tra viên trung cấp và điều tra viên cao cấp.
Muốn trở thành điều tra viên, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chung có trình độ cử nhân luật, người lao động còn phải đáp ứng các điều kiện khác về nghiệp vụ điều tra hoặc sức khỏe.
Hòa giải viên trong những năm gần đây cũng là vị trí mà nhiều người nghĩ đến sau khi tốt nghiệp ngành luật.
Hòa giải viên là người làm công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên mà không thông qua quy trình và thủ tục tố tụng. Hòa giải viên thường làm việc tại cơ quan Nhà nước ở các cấp, hòa giải tranh chấp các vấn đề trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thương mại…
Như vậy có rất nhiều đáp án cho câu hỏi sinh viên học luật ra làm gì. Trên đây chỉ là một số công việc tiêu biểu trong ngành luật, ngoài ra còn có rất nhiều lựa chọn và cơ hội khác như công chức nhà nước, trợ giúp viên pháp lý, chấp hành viên, quản tài viên, đấu giá viên, thừa phát lại, thu hồi nợ, trợ lý luật sư, hành chính nhân sự, QA, QC…
Bên cạnh câu hỏi học luật ra làm gì, rất nhiều người cũng thắc mắc mức lương và thu nhập của ngành này.
Nhìn vào số lượng cơ hội của ngành luật có thể thấy không có đáp án cụ thể cho câu hỏi mức lương ngành luật bao nhiêu. Mức thu nhập của ngành này vô cùng đa dạng, cụ thể:
Đối với người lao động làm việc trong các ngạch công chức, viên chức của Nhà nước: Mức lương của người lao động phụ thuộc vào khung lương, bậc lương do Nhà nước quy định.
Dưới đây là mức lương của một số vị trí công việc ngành luật mà bạn có thể tham khảo:
Đơn vị: VND/tháng/người
Công việc | Mức lương tham khảo |
Thẩm phán | 4.212.000 - 14.400.000 |
Thư ký tòa án | 4.212.000 - 8.964.000 |
Kiểm sát viên | 3.486.600 - 14.400.000 |
Điều tra viên | 4.212.000 - 14.400.000 |
Công chứng viên | 2.430.000 - 14.400.000 |
(Con số trên đây chỉ mang tính chất tham khảo)
Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, văn phòng, công ty tư nhân
Mức lương cho người lao động sẽ do các bên thỏa thuận, tuân theo mức lương trên thị trường. Dưới đây là mức lương của một số vị trí mà bạn có thể tham khảo:
Đơn vị: VND/tháng/người
Công việc | Mức lương tham khảo |
Chuyên viên pháp lý | 7.000.000 - 18.000.000 |
Pháp chế | 10.900.000 - 15.800.000 |
Luật sư | 14.000.000 - 20.500.000 |
Trợ lý luật sư | 7.500.000 - 13.000.000 |
Thu hồi nợ | 8.200.000 - 12.200.000 |
Chắc hẳn khi đặt ra câu hỏi học luật ra trường làm gì, ai cũng quan tâm đến cơ hội việc làm và tương lai của ngành luật.
Nhìn vào các vị trí việc làm của ngành luật, có thể thấy ngành này mang đến cho người lao do động rất nhiều việc làm cùng cơ hội thăng tiến rõ ràng.
Theo tổng kết từ Bộ Tư pháp dựa trên báo cáo của 63 địa phương cùng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính đến hết 31/12/2022, nước ta có 17.284 luật sư, 5.429 tổ chức hành nghề luật. Dù số lượng luật sư đã tăng lên nhưng so với nhu cầu của thị trường vẫn được đánh giá là chưa đủ.
Ngoài vị trí luật sư, thẩm phán cũng là một trong những vị trí vô cùng thiếu nhân lực. Theo đánh giá từ Tòa án Nhân dân Tối cao, tính đến hết tháng 9 năm 2023, toàn ngành tòa án có 4.957 thẩm phán. Tuy nhiên so với chỉ tiêu đã phân bổ, toàn ngành còn thiếu 1.198 người.
Chỉ nhìn vào hai vị trí trên cũng có thể thấy nhu cầu của ngành luật là vô cùng lớn, trong khi lực lượng nhân sự còn nhiều hạn chế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, luật là một trong những ngành có khả năng phát triển trong tương lai.
Câu trả lời là Có. Học luật ra hoàn toàn có thể làm công an.
Tuy nhiên điều kiện để trở thành công an vô cùng khắt khe, cử nhân luật phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn của vị trí công an theo quy định.
Theo đó, các tiêu chuẩn mà người lao động phải đáp ứng bao gồm:
Đặc biệt, nhu cầu của ngành Công an vốn đã có số lượng và chỉ tiêu nhất định, chỉ trong trường hợp lực lượng trong khối chuyên ngành đào tạo không đủ đáp ứng về mặt số lượng, các ngành mới có nhu cầu tuyển bổ sung.
Cơ hội ưu tiên xét tuyển chỉ dành cho những cử nhân đã tốt nghiệp với bằng xuất sắc tại cơ sở theo học đáp ứng tiêu chuẩn đào tạo phía Bộ Công an đưa ra.
Do đó, mặc dù học luật ra hoàn toàn có thể làm công an nhưng lộ trình này vô cùng gian nan, đòi hỏi sinh viên phải cực kỳ nỗ lực và chủ động.
Dù là một trong những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng cơ hội tìm kiếm của ngành luật vô cùng cạnh tranh. Không phải ngẫu nhiên mà hàng năm có rất nhiều người băn khoăn sinh viên học luật ra làm gì hay học luật có dễ xin việc không?
Người tốt nghiệp ngành luật sẽ có nhiều cơ hội để xin việc nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết của nhà tuyển dụng, nỗ lực trau dồi thêm các kỹ năng khác đặc biệt là khi tìm việc làm tại Hà Nội, việc làm TP Hồ Chí Minh, việc làm Đà Nẵng, việc làm Cần Thơ,...
Hiện nay các cơ sở đào tạo hầu hết chỉ dạy cho sinh viên các kiến thức vô cùng cơ bản, trong khi đó, nhìn vào các vị trí việc làm ngành luật có thể thấy đều yêu cầu rất nhiều về kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp.
Thậm chí với một số vị trí đòi hỏi tính chuyên môn cao như luật sư, thư ký tòa án, thẩm phán hay kiểm sát viên, muốn đảm nhiệm tốt công việc bạn cần có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cực kỳ phong phú.
Muốn như vậy, người lao động bắt buộc phải tự mình trau dồi kinh nghiệm, học thêm các lớp/khóa đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn.
Học luật không hề khó xin việc như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên con đường để đi đến thành công với nghề luật vô cùng gian nan và cần thời gian dài, đòi hỏi ở người lao động sự kiên nhẫn và nỗ lực.
Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn cho câu hỏi sinh viên học luật ra làm gì? Hiểu rõ cơ hội nghề nghiệp sẽ giúp cho bạn dễ dàng đưa ra được định hướng phát triển trong tương lai, từ đó tăng cơ hội tìm được việc làm và nâng cao thu nhập.
Mẫu CV hot theo ngành nghề