Ngành du lịch gồm những nghề gì? Triển vọng phát triển trong tương lai
1. Tìm hiểu tổng quan về ngành du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả cao, không chỉ góp phần nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa mà còn thúc đẩy tình yêu đất nước. Đồng thời, đây cũng là một hình thức xuất khẩu tại chỗ, tức là thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, mang lại nguồn ngoại tệ và thúc đẩy kinh tế trong nước. Ngành du lịch bao gồm nhiều lĩnh vực như lữ hành, khách sạn, nhà hàng, với hệ thống đào tạo và phân bổ nhân sự để đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng trong và ngoài nước.
Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ và ảnh hưởng đến cán cân thu chi quốc gia. Khách du lịch nước ngoài đến một nước khác du lịch sẽ mang ngoại tệ đến các điểm du lịch làm gia tăng ngoại tệ của quốc gia.

2. Các lĩnh vực chính trong ngành du lịch
Du lịch có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước nhà, được nhà nước quan tâm đầu tư và phát triển. Trước khi khám phá ngành du lịch gồm những ngành nghề gì, cùng tìm hiểu các lĩnh vực chính trong ngành du lịch.
2.1. Nghề du lịch lữ hành
Nghề du lịch lữ hành là một trong những lĩnh vực quản trị kinh doanh, tập trung vào những công việc về thiết kế tour du lịch, tổ chức vận chuyển, lưu trú, ăn uống đến việc hướng dẫn du khách tham quan, khám phá văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán địa phương. Nhân sự trong ngành có thể làm việc tại công ty lữ hành, hãng du lịch, khách sạn hoặc tổ chức sự kiện du lịch, góp phần phát triển ngành du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.
Nghề du lịch lữ hành là một phần quan trọng trong ngành du lịch, nơi cung cấp dịch vụ du lịch cho du khách. Nghề này, giúp quảng bá những điểm đến thu hút, đặc sắc nhằm lôi kéo được du khách trong và ngoài nước để phát triển ngành du lịch. Ngoài ra, việc tổ chức các điểm lưu trú, vận chuyển, ăn uống tạo cơ hội phát triển cho các ngành vận tải, nhà hàng, khách sạn, góp phần làm ngành du lịch tăng trưởng mạnh mẽ.
2.2. Nghề khách sạn và nhà hàng
Nghề nhà hàng - khách sạn có trách nhiệm trong việc vận hành, phục vụ, quản lý và giám sát trong nhà hàng, khách sạn. Nhân viên đảm nhận việc phục vụ khách hàng, điều hành, tổ chức đến kiểm tra và đánh giá chất lượng dịch vụ. Nghề này phải đảm bảo mọi quy trình được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Ngành du lịch bao gồm cả các dịch vụ của nhà hàng, khách sạn, chính vì vậy nghề này có mối liên kết với du lịch. Du khách khi đến các địa điểm tham quan du lịch, chắc chắn họ cần có chỗ lưu trú và ăn uống. Chính vì vậy, hệ thống nhà hàng, khách sạn chất lượng góp phần làm du khách có trải nghiệm trọn vẹn cho chuyến du lịch, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch và nền kinh tế.

2.3. Nghề vận tải
Nghề vận tải được coi là cầu nối với mọi hoạt động du lịch, đảm nhận việc di chuyển du khách và hàng hóa được lưu thông an toàn và thuận tiện. Công việc này bao gồm việc đưa đón hành khách đến các điểm đến, điều phối chuyến đi và bảo trì phương tiện để hành trình diễn ra suôn sẻ.
Trong du lịch, vận tải có nhiều loại hình như hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thủy. Ngoài ra, còn có một số phương tiện đặc sắc phục vụ trải nghiệm du khách như cáp treo, khinh khí cầu hay phương tiện vận chuyển mang màu sắc dân tộc như cưỡi voi, cưỡi trâu, cưỡi ngựa,…
Nghề vận tải có mối liên hệ chặt chẽ với ngành du lịch, cầu nối giúp du khách đến các điểm tham quan, du lịch. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cho việc du lịch, đi lại của con người ngày càng tăng cao, hệ thống giao thông thuận tiện giúp phát triển du lịch, nâng cao trải nghiệm khách hàng và góp phần tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, các trải nghiệm về dịch vụ vận tải chất lượng và an toàn, góp phần gia tăng sự hài lòng và khả năng quay lại tham quan, thúc đẩy cho ngành du lịch có nhiều bước tiến trong tương lai.
2.4. Nghề dịch vụ sự kiện
Tổ chức sự kiện bao gồm các hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xã hội, kinh doanh, giải trí, thể thao, với các hình thức phổ biến như hội thảo, triển lãm, lễ hội, tiệc tùng. Trong du lịch, tổ chức sự kiện nhằm lập kế hoạch và thực hiện các chương trình có quy mô khác nhau để quảng bá điểm đến, thu hút du khách và thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ du lịch. Những sự kiện này không chỉ mang lại trải nghiệm độc đáo mà còn góp phần nâng cao hình ảnh du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Nghề dịch vụ sự kiện đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch khi góp phần tổ chức các chương trình hấp dẫn, thúc đẩy du lịch phát triển. Các sự kiện du lịch không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn góp phần quảng bá điểm đến ra thế giới, giúp nâng cao hình ảnh địa phương. Doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý tận dụng sự kiện như một chiến lược quan trọng để phát triển và tiếp thị du lịch. Nhờ các sự kiện này, du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa, lịch sử, ẩm thực một cách chân thực.

3. Ngành du lịch gồm những nghề gì?
Ngành du lịch với nhiều lĩnh vực khác nhau và có mối quan hệ mật thiết, thúc đẩy sự phát triển trong ngành cũng như kinh tế nhà nước. Vậy ngành du lịch gồm những nghề gì? Dưới đây là một số nghề phổ biến trong ngành này bạn có thể tham khảo qua.
3.1. Việc làm hướng dẫn viên du lịch
Hướng dẫn viên du lịch là một trong những vị trí được nhớ đến ngay khi nhắc đến ngành du lịch. Hướng dẫn viên sẽ chịu trách nhiệm đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động tham quan và hướng dẫn tại các điểm du lịch. Công việc bao gồm quản lý lịch trình, sắp xếp chỗ ăn ở, đảm bảo an toàn cho du khách và xử lý các tình huống phát sinh. Hướng dẫn viên có thể làm việc cho công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành, ban quản lý di tích hoặc khu bảo tồn thiên nhiên.
Để trở thành hướng dẫn viên du lịch, ứng viên không cần ngoại hình quá xuất sắc nhưng phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, am hiểu sâu rộng về điểm đến, văn hóa và lịch sử. Kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt, khả năng xử lý tình huống linh hoạt cùng sức khỏe dẻo dai và tâm lý ổn định là những yếu tố quan trọng giúp hướng dẫn viên hoàn thành tốt công việc. Ngoại ngữ là một yếu tố khá quan trọng khi bạn trở thành hướng dẫn viên, điều này giúp bạn nhận được mức lương cao hơn.
Mức lương của hướng dẫn viên du lịch phụ thuộc vào lĩnh vực hoạt động. Hướng dẫn viên nội địa thường có mức lương dao động từ 7,000,000 - 10,000,000 VNĐ/tháng, trong khi hướng dẫn viên quốc tế có thể nhận mức lương từ 15,000,000 - 30,000,000 VNĐ/tháng, tùy theo kinh nghiệm và năng lực.

3.2. Việc làm quản lý khách sạn
Quản lý khách sạn là người chịu trách nhiệm tổ chức và điều hành toàn bộ hoạt động của khách sạn nhằm đảm bảo hiệu quả kinh doanh tối ưu. Công việc bao gồm quản lý hệ thống phòng, cơ sở vật chất, nhân sự, chiến lược kinh doanh, tài chính, dịch vụ khách hàng và hoạt động tiếp thị. Ngoài ra, quản lý khách sạn cũng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, duy trì mối quan hệ với khách hàng và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành.
Để trở thành quản lý khách sạn, ứng viên cần có bằng đại học hoặc cao đẳng trong các lĩnh vực như Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng – khách sạn, Quản trị kinh doanh,… Những ứng viên có bằng Thạc sĩ về Quản trị khách sạn hoặc Quản trị kinh doanh sẽ được ưu tiên. Bên cạnh đó, công việc này đòi hỏi kỹ năng quản lý tài chính, kinh doanh, tiếp thị, quản trị rủi ro, khả năng chịu áp lực cao, ứng biến linh hoạt và kỹ năng dịch vụ khách hàng xuất sắc. Thành thạo ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa – xã hội cũng là lợi thế lớn.
Mức lương của quản lý khách sạn dao động từ 15,000,000 - 22,000,000 VNĐ/tháng, tùy thuộc vào quy mô khách sạn và trách nhiệm công việc. Đối với các khách sạn lớn hoặc hoạt động kinh doanh hiệu quả, mức lương có thể lên tới 46,000,000 – 60,000,000 VNĐ/tháng.

3.3. Việc làm nhân viên lễ tân
Nhân viên lễ tân có nhiệm vụ tiếp đón khách, nhận điện thoại, cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp, hỗ trợ khách trong quá trình lưu trú như xử lý yêu cầu, kiểm tra dịch vụ, hỗ trợ ký gửi đồ, thanh toán,… Ngoài ra, lễ tân còn đảm bảo dịch vụ khách sạn đáp ứng đúng tiêu chuẩn và hỗ trợ khách hàng theo quy tắc giao tiếp quốc tế.
Công việc lễ tân yêu cầu ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhẹn, khả năng nghe hiểu tốt, giao tiếp chính xác và khéo léo. Ngoài ra, nhân viên cần biết ít nhất một ngoại ngữ để có thể đón tiếp khách quốc tế. Với kinh nghiệm và năng lực tốt, lễ tân có thể thăng tiến lên vị trí quản lý bộ phận lễ tân, chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ hoạt động liên quan.
Lương khởi điểm của nhân viên lễ tân dao động từ 7,000,000 – 9,000,000 VNĐ/tháng, tùy thuộc vào loại hình khách sạn, nhà hàng và kinh nghiệm làm việc.

3.4. Việc làm nhân viên phục vụ
Nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn đảm nhận nhiều vai trò khác nhau như phục vụ bàn, bar, bếp và buồng phòng. Nhân viên chịu trách nhiệm việc chào đón khách, nhận order, sắp xếp bàn tiệc, cung cấp các dịch vụ từ nhà hàng, phụ trách việc bảo quản đồ dùng của nhà hàng. Bên cạnh đó, nhân viên buồng phòng cần đảm bảo không gian lưu trú sạch sẽ, thoáng mát, sắp đặt hợp lý theo tiêu chuẩn quốc tế và phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, tận tình.
Ngoài ra, hiện nay hệ thống nhà hàng, khách sạn có thêm dịch vụ Room Service, đây là hình thức phục vụ ăn uống ngay tại phòng lưu trú của khách hàng. Nhân viên sẽ chuẩn bị đồ ăn, thức uống mà khách hàng đã order, sau đó phục vụ tại phòng của khách hàng đã đặt món.
Nhân viên phục vụ cần có tác phong làm việc chuyên nghiệp, thái độ phục vụ đúng chuẩn theo quy định của nhà hàng, khách sạn. Nhân viên phải có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng ứng xử linh hoạt, lắng nghe và đặt câu hỏi hiệu quả. Đối với các nhà hàng cao cấp, kỹ năng ngoại ngữ là một lợi thế. Ngoài ra, khả năng ghi nhớ tốt và thành thạo nghiệp vụ chuyên môn cũng là yêu cầu quan trọng để hoàn thành tốt công việc.
Mức lương của nhân viên phục vụ dao động tùy vào vị trí công việc:
-
Phục vụ nhà hàng: 4,000,000 - 6,000,000 VNĐ/tháng
-
Phục vụ yến tiệc: 8,000,000 - 10,000,000 VNĐ/tháng
-
Trợ lý bếp, buồng phòng: 3,000,000 - 4,000,000 VNĐ/tháng
-
Nhân viên pha chế: 5,000,000 - 9,000,000 VNĐ/tháng
-
Nhân viên hành lý: 5,000,000 - 7,000,000 VNĐ/tháng

3.5. Việc làm nhân viên marketing du lịch
Nhân viên marketing du lịch chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường du lịch, phân tích nhu cầu khách hàng và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp. Nhân viên cũng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, lên kế hoạch quảng bá sản phẩm du lịch với mức giá và chất lượng tối ưu, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận. Ngoài ra, công việc này yêu cầu di chuyển thường xuyên để gặp gỡ khách hàng, đối tác, góp phần mở rộng thị trường.
Nhân viên marketing du lịch đòi hỏi sự nhanh nhạy, năng động và khả năng thích nghi với thị trường du lịch đầy cạnh tranh. Bên cạnh kiến thức chuyên môn về marketing hoặc du lịch, nhân viên cần có kỹ năng phân tích thị trường, sáng tạo trong chiến lược quảng bá và giao tiếp tốt để làm việc với khách hàng, đối tác. Ngay cả những người không học chuyên ngành du lịch nhưng có đam mê và khả năng nghiên cứu thị trường vẫn có thể đảm nhiệm công việc này.
Mức lương của nhân viên marketing du lịch dao động từ 8,000,000 - 12,000,000 VNĐ/tháng, tương đương với những vị trí marketing khác. Đặc biệt, thu nhập có thể tăng đáng kể theo kinh nghiệm và năng lực của nhân viên.

4. Kỹ năng và yêu cầu cho các nghề trong ngành du lịch
Sau khi tìm hiểu ngành du lịch gồm những nghề gì, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ được vai trò và mức lương của từng vị trí công việc như thế nào. Để đáp ứng được công việc của ngành du lịch, bạn cần có những kỹ năng như:
-
Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với nhân viên ngành Du lịch. Việc thường xuyên tiếp xúc và hướng dẫn khách hàng đòi hỏi khả năng ứng biến linh hoạt trong nhiều tình huống, giúp bạn tự tin thể hiện bản thân trước khách hàng và đối tác. Ngoài năng khiếu bẩm sinh, người làm du lịch cần không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, cũng như mở rộng hiểu biết về xã hội, lịch sử, kinh tế và nghệ thuật. Giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn tạo ấn tượng mà còn là yếu tố quyết định sự thành công trong ngành.
-
Kỹ năng tổ chức
Trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là lữ hành, công việc thường được lên kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp và sự chính xác trong từng chương trình tour. Tuy nhiên, người làm du lịch không thể chỉ tuân theo kế hoạch một cách máy móc. Các yếu tố như giao thông, thời tiết hay thiên tai có thể ảnh hưởng đến lịch trình, đòi hỏi khả năng thích ứng linh hoạt để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
-
Kiến thức về văn hóa và địa lý
Để thành công trong ngành du lịch, bạn cần có vốn hiểu biết sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa và ẩm thực của từng vùng miền, quốc gia. Những kiến thức này không chỉ giúp bạn cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa của địa phương đến với du khách, tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ.
-
Kỹ năng ngoại ngữ
Việc thành thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ là lợi thế lớn giúp bạn thành công trong ngành du lịch. Với đặc thù công việc phải giao tiếp với nhiều khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới, ngoại ngữ là chìa khóa giúp bạn tạo ấn tượng tốt và mang đến sự hài lòng cho du khách. Một số ngôn ngữ phổ biến hiện nay trong ngành du lịch bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Nhật,... giúp bạn dễ dàng tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng quốc tế hơn.

5. Triển vọng nghề nghiệp ngành du lịch trong tương lai
Ngành du lịch chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế và phát triển xã hội. Với sự gia tăng chóng mặt của khách du lịch những năm gần đây, ngành du lịch hứa hẹn sẽ có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai.
-
Tăng trưởng và phát triển
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2024, du lịch Việt Nam ước đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành, trong đó có Đề án Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đón 50 triệu lượt khách quốc tế và nâng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP lên 14%. Ngoài ra, chính sách miễn thị thực cho một số quốc gia châu Âu và Đông Nam Á, cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông như sân bay và đường cao tốc, đã giúp du khách tiếp cận các điểm du lịch thuận tiện hơn, góp phần nâng cao sức hút của ngành du lịch Việt Nam.
Việt Nam sở hữu hệ thống danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa đa dạng, từ Vịnh Hạ Long – Di sản Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận, đến các công trình nổi bật như Phố cổ Hội An và Quần thể di tích Cố đô Huế. Đặc biệt, Phong Nha – Kẻ Bàng với hệ thống hang động kỳ vĩ đã nhiều lần lọt vào danh sách điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế. Những di sản này không chỉ đóng góp nguồn thu lớn mà còn giúp bảo tồn văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương.
-
Cơ hội việc làm
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, ngành du lịch đang có tốc độ phục hồi nhanh chóng. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch, đến năm 2030, ngành này sẽ cần hơn 1,5 triệu lao động có chuyên môn. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch nội địa và quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực như hướng dẫn viên du lịch, quản lý khách sạn, điều hành tour và tổ chức sự kiện. Điều này phần nào đã giải đáp cho câu hỏi học du lịch ra làm nghề gì của các bạn sinh viên trong ngành này.
Sự phát triển của các loại hình du lịch bền vững, du lịch sinh thái và MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) đang mở rộng phạm vi nghề nghiệp cho những người theo đuổi ngành du lịch.
Để nắm bắt cơ hội và phát triển trong lĩnh vực này, người lao động cần trang bị các kỹ năng quan trọng như quản lý bền vững, tổ chức sự kiện và chăm sóc khách hàng. Đây sẽ là lợi thế lớn giúp ứng viên gia tăng khả năng cạnh tranh và tìm được những vị trí việc làm hấp dẫn trong tương lai.

Kết luận
Ngành du lịch gồm những nghề gì đã được chúng tôi giải đáp ở bài viết trên, qua đó có thể thấy tầm quan trọng của ngành này trong việc phát triển kinh tế. Các ngành nghề du lịch dự đoán sẽ có nhiều tiềm năng trong tương lai, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho ai đang theo đuổi ngành này. Nếu bạn có nhu cầu tìm việc làm du lịch, bạn có thể truy cập vào website Job3s.com.vn để tìm hiểu thông tin chi tiết.