Ngành Dược là gì? Ngành Dược ra trường làm nghề gì?
1. Ngành Dược là gì?
Ngành dược là một trong những lĩnh vực quan trọng trong hệ thống y tế, chuyên nghiên cứu về thuốc bao gồm các quá trình liên quan mật thiết với nhau như bào chế, sản xuất, phân phối, kiểm nghiệm, hướng dẫn sử dụng thuốc để phòng ngừa và điều trị bệnh.
Ngành dược đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Ngành dược chịu trách nhiệm sản xuất, phân phối thuốc an toàn, hiệu quả đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh; Đồng thời, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng liều lượng, chỉ định.
Ngoài ra, ngành dược còn phối hợp với các chuyên khoa lâm sàng khác để xây dựng phác đồ điều trị tốt nhất nhằm nâng cao hiệu quả khám và chữa bệnh. Các chuyên gia trong lĩnh vực dược cũng không ngừng nghiên cứu, phát triển các loại thuốc mới để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
Hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm ngành dược. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành dược tại các trường cao đẳng, đại học, sinh viên có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau như dược sĩ tại bệnh viện, quầy thuốc, nhân viên kinh doanh, marketing dược, chuyên viên kiểm nghiệm thuốc tại các công ty, cơ quan kiểm định.

2. Ngành Dược học mấy năm?
Ngành dược học mấy năm phụ thuộc vào hệ đào tạo và chương trình giảng dạy của mỗi trường. Hiện nay, thời gian học ngành dược đại học chính quy kéo dài 5 năm. Đối với hệ cao đẳng, thời gian học dược kéo dài 3 năm. Hệ trung cấp dược học trung bình 2 năm tùy thuộc vào trình độ học vấn ban đầu của thí sinh.
Thời gian học trung bình của ngành dược
Ngành Dược | Thời gian đào tạo |
---|---|
Trung cấp | 2 năm |
Cao đẳng | 3 năm |
Đại học | 5 năm |
Thạc sĩ | 18 - 24 tháng |
Sinh viên khi theo học ngành dược sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao về dược học cùng những kỹ năng cần thiết như giao tiếp, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của cộng đồng.

3. Các chuyên ngành trong ngành Dược
Ngành dược được phân thành nhiều lĩnh vực khác nhau, trang bị cho sinh viên những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu như:
3.1. Dược lâm sàng
Dược lâm sàng tập trung nghiên cứu chuyên sâu về tính chất vật lý, hóa học, dược lực học và dược động học của các phân tử thuốc, từ đó phát huy tối đa hiệu quả điều trị bệnh; Giảm tối thiểu nguy cơ tác dụng phụ của thuốc; Đồng thời đưa ra phương án điều trị thay thế tốt nhất cho số lượng lớn bệnh nhân, giảm thiểu các chi phí cho hệ thống y tế quốc gia.
Để thành công trong lĩnh vực này, sinh viên cần rèn luyện tư duy phân tích, kỹ năng giao tiếp tốt để tư vấn và phối hợp với bác sĩ để mang đến phác đồ điều trị an toàn, hiệu quả nhất.
3.2. Dược học cổ truyền và Dược liệu
Dược liệu và Dược học cổ truyền sẽ giúp sinh viên tiếp cận về tính sinh học, định tính, định lượng và ứng dụng của các hợp chất thiên nhiên trong dược liệu. Bên cạnh đó, sinh viên cũng sẽ học được các phân loại, sử dụng hợp lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên có giá trị như động vật, cây thuốc quý trong quá trình sản xuất thuốc.
Ở lĩnh vực này, sinh viên cần có kiến thức sâu về thực vật học, sinh hóa, cũng như kỹ năng thí nghiệm để xác định và ứng dụng các dược liệu trong điều trị bệnh.

3.3. Sản xuất và phát triển thuốc
Sản xuất và phát triển thuốc là một trong những lĩnh vực chính của ngành dược. Chuyên ngành này sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tính chất, nguyên lý, kỹ thuật bào chế thuốc. Từ đó dược sĩ có thể nghiên cứu và tạo ra những loại thuốc an toàn hiệu quả có giá trị tốt nhất.
Khi làm việc tại lĩnh vực này, bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có sự kiên trì, khả năng làm việc nhóm tốt để đạt được thành công trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
3.4. Kiểm tra chất lượng thuốc
Kiểm tra chất lượng thuốc là quá trình đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn của thuốc từ khâu bào chế đến khi ra mắt thị trường. Lĩnh vực này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hệ thống y tế, giúp hạn chế những rủi ro, ngăn ngừa thuốc giả, kém chất lượng và xây dựng niềm tin từ khách hàng.
Nếu là người có tính cẩn thận, tỉ mỉ, mong muốn làm việc theo quy trình đạt tiêu chuẩn thì sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm việc tại các viện kiểm nghiệm thuốc, phòng kiểm nghiệm của các công ty, doanh nghiệp dược trên toàn quốc.

3.5. Quản lý cung ứng thuốc
Chuyên ngành quản lý cung ứng thuốc trang bị kiến thức về kinh tế, pháp luật, quản lý chuỗi cung ứng, giúp sinh viên hiểu rõ quy trình phân phối, các giải pháp hiệu quả để cải thiện năng suất của chuỗi cung ứng.
Đây là lĩnh vực yêu cầu tư duy chiến lược, khả năng phân tích thị trường, hiểu biết về kinh tế, pháp luật liên quan đến dược phẩm nên đòi hỏi bạn phải có kỹ năng tổ chức, quản lý chuỗi cung ứng và làm việc hiệu quả trong môi trường kinh doanh.
4. Học ngành Dược ra trường làm công việc gì?
Ngành Dược không chỉ giới hạn trong việc tư vấn bán thuốc mà còn có nhiều hướng đi khác nhau sau khi tốt nghiệp. Dược sĩ có thể chọn học lên thạc sĩ hoặc đi làm tại nhiều vị trí phù hợp với sở thích và thế mạnh của bản thân như:
4.1. Nhân viên bán thuốc
Sau khi tốt nghiệp ngành Dược, bạn có thể lựa chọn tư vấn và bán thuốc tại các bệnh viện, nhà thuốc lớn. Công việc của nhân viên bán thuốc bao gồm dự trù, kiểm nhập và bảo quản thuốc. Ngoài ra còn tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế an toàn, hiệu quả cho khách hàng.

4.2. Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển thuốc giúp đánh giá hiệu quả và an toàn trước khi đưa ra thị trường. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm giám sát viên thử nghiệm lâm sàng.
Công việc của vị trí này bao gồm theo dõi tiến độ thử nghiệm, đánh giá hiệu quả, tác dụng phụ của thuốc trên thực tế lâm sàng và báo cáo kết quả. Thử nghiệm lâm sàng đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ, tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
4.3. Trình dược viên
Trình dược viên đảm nhận công việc quảng bá thuốc đến nhiều khách hàng khác nhau như nhà thuốc, bệnh viện hoặc cơ sở y tế. Công việc này không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn về dược phẩm mà còn đòi hỏi khả năng làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, thuyết phục. Với hiệu suất công việc tốt, trình dược viên có thể đạt thu nhập cao và có nhiều cơ hội thăng tiến trong ngành.

4.4. Marketing ngành Dược
Marketing dược là lĩnh vực kết hợp giữa chuyên môn dược và kinh doanh. Dược sĩ khi làm trong chuyên ngành này sẽ chịu trách nhiệm phân tích xu hướng thị trường, xây dựng kế hoạch để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng.
Công việc yêu cầu tư duy sáng tạo, khả năng phân tích và truyền đạt thông tin tốt để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành dược, nếu mong muốn làm việc trong môi trường năng động, đầy tính cạnh tranh thì có thể ứng tuyển vào vị trí Marketing.
4.5. Giảng viên ngành Dược
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm giảng viên tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học có đào tạo chuyên ngành dược. Nhiệm vụ chính của giảng viên bao gồm chuẩn bị bài giảng, tài liệu học tập cho sinh viên, hướng dẫn và đánh giá năng lực sinh viên trong suốt quá trình học. Ngoài ra, giảng viên có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển và nâng cao chuyên môn.

4.6. Nghiên cứu, bào chế và kiểm nghiệm thuốc
Dược sĩ có sự am hiểu sâu về hóa dược, công nghệ bào chế và các tiêu chuẩn kiểm nghiệm có thể thử sức với công việc nghiên cứu, bào chế, phát triển các sản phẩm mới tại các trung tâm thí nghiệm của doanh nghiệp, công ty dược. Đây là một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng thuốc, đảm bảo an toàn hiệu quả cho người dùng.
5. Mức lương trung bình của ngành Dược
Ngành Dược mở ra cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn trung bình từ 7.000.000 - 20.000.000 VNĐ/tháng. Dưới đây là mức lương của một số vị trí trong ngành Dược:
Việc làm dược sĩ | Mức lương dao động (VNĐ/tháng) |
---|---|
Dược sĩ bán thuốc | 7.000.000 - 20.000.000 |
Giảng viên Dược | 8.000.000 - 15.000.000 |
Trình dược viên | 8.000.000 - 20.000.000 |
Thử nghiệm lâm sàng | 10.000.000 - 25.000.000 |
Marketing ngành Dược | 10.000.000 - 25.000.000 |
Lưu ý: Mức lương ngành dược thay đổi tùy thuộc vào kinh nghiệm, vị trí và nơi làm việc. Ứng viên làm việc tại vị trí Marketing hoặc thử nghiệm thuốc lâm sàng sẽ có mức thu nhập tốt hơn so với dược sĩ bán thuốc.
Ứng viên có kinh nghiệm lâu năm, làm việc tại các công ty, doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng chế độ lương thưởng tốt hơn. Ngoài ra, mức lương của dược sĩ làm việc tại các cơ sở y tế nhà nước sẽ được tính dựa trên mức lương cơ bản và hệ số lương theo quy định.

6. Kỹ năng, tố chất cần có để theo đuổi ngành Dược
Ngành dược có liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên cần có những kỹ năng và tố chất dưới đây để theo đuổi ngành Dược:
-
Trí nhớ tốt:
Ngành dược có khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ nhiều thông tin như dược lý, dược động học, dược lực học, tương tác giữa các thuốc. Vậy nên trí nhớ tốt sẽ giúp dược sĩ ghi nhớ chính xác, đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót trong quá trình làm việc.
-
Tính tỉ mỉ:
Công việc trong ngành dược có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Bất kỳ lỗi nhỏ nào cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy khi làm việc trong lĩnh vực này, bạn cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi quy trình, đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
-
Kỹ năng tự học:
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại và hệ thống chăm sóc sức khỏe, các phương pháp điều trị, thuốc mới, kỹ thuật bào chế liên tục được cải tiến. Vì vậy, dược sĩ cần rèn luyện kỹ năng tự học, chủ động cập nhật kiến thức mới thông qua tài liệu chuyên ngành, nghiên cứu khoa học và các hội thảo chuyên môn. Khả năng tự học tốt giúp họ thích nghi với sự thay đổi của ngành, nâng cao trình độ và đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn.
-
Kỹ năng giao tiếp:
Dược sĩ thường phải tiếp xúc khách hàng, phối hợp cùng bác sĩ và làm việc với các đơn vị cung ứng. Kỹ năng giao tiếp tốt giúp họ truyền đạt thông tin chính xác, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc an toàn, đồng thời tạo dựng mối quan hệ chuyên nghiệp trong môi trường y tế. Giao tiếp hiệu quả cũng góp phần nâng cao chất lượng điều trị và mang đến sự hài lòng cho bệnh nhân.
-
Kiến thức chuyên môn tốt:
Đây là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng giúp cho dược sĩ có thể đưa có thể phân tích, đánh giá và đưa ra những quyết định chính xác. Một dược sĩ giỏi về chuyên chuyên môn phải biết cách phối hợp thuốc điều trị, hiểu rõ dược lý thuốc và tương tác thuốc trên lâm sàng. Một nền tảng vững chắc sẽ giúp họ đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và đóng góp vào sự phát triển của ngành dược.
-
Kỹ năng quản lý thời gian:
Ngành dược thường có khối lượng công việc lớn, áp lực cao đòi hỏi dược sĩ phải có kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc để cân bằng giữa học tập, làm việc, từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

7. Trường đào tạo ngành Dược uy tín nhất tại Việt Nam
Điểm chuẩn ngành dược năm 2024 dao động từ 24 đến 27 điểm tùy thuộc vào trường và tổ hợp môn xét tuyển. Hiện nay, nhiều trường đại học có chương trình đào tạo ngành dược chất lượng theo chuẩn quốc tế nổi bật như Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Huế và một số trường uy tín khác như:
Khu vực | Tên trường | Khối tuyển sinh | Điểm chuẩn (2024) | Học phí (2024) | |
---|---|---|---|---|---|
Miền Bắc | Đại học Dược Hà Nội | A00 | 25,51 | 24.500.000 VNĐ/ năm | |
Đại học Y Dược – Đại học Quốc Gia Hà Nội | A00 | 24,25 | 51.000.000 VNĐ/ năm | ||
Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam | A00 | 23,52 | 24.500.000 VNĐ/ năm | ||
Đại học Y Dược Hải Phòng | A00 B00 D07 | 25,1 25,3 24.3 | 35.000.000 VNĐ/ năm | ||
Đại Học Y Dược – Đại Học Thái Nguyên | B00 D07 A00 | 24,75 | 46.000.000 VNĐ/năm | ||
Miền Trung | Trường Y Dược – Đại học Đà Nẵng | A00 B00 D07 | 24,45 | 27.600.000 VNĐ/năm | |
Đại Học Y Dược – Đại Học Huế | A00 B00 | 24,7 | 48.900.000 VNĐ/năm | ||
Miền Nam | Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch | B00 | 25,52 | 52.500.000 VNĐ/năm | |
Đại học Y Dược TP.HCM | A00 B00 | 25,72 | 60.500.000 VNĐ/năm | ||
Đại học Y Dược Cần Thơ | B00 | 24,78 | 49.700.000 VNĐ/năm |
Ngành Dược là một trong những lĩnh vực quan trọng của hệ thống y tế, thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều thí sinh. Để theo học chuyên ngành này, bạn cần tập trung ôn luyện khối A (Toán, Vật lý, Hóa học) hoặc khối B (Toán, Hóa học, Sinh học).

Ngành dược đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế đòi hỏi sự chính xác và trách nhiệm cao. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành dược có thể làm việc tại nhiều vị trí khác nhau với mức thu nhập hấp dẫn lên đến 25.000.000 VNĐ/tháng. Để thành công trong lĩnh vực này, dược sĩ cần có chuyên môn vững chắc, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tế để hoàn thành tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Để tìm kiếm việc làm ngành dược, truy cập Job3s ngay hôm nay. Hàng ngàn cơ hội với mức lương hấp dẫn đang chờ bạn!