Kế toán tiền lương là gì? Mức lương và mô tả công việc
1. Kế toán tiền lương là gì? Vai trò của kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương đảm nhận việc quản lý, tính toán và hạch toán tiền lương cùng các khoản trích theo lương, dựa trên dữ liệu bảng chấm công và các chứng từ liên quan đến thu nhập của người lao động. Nhiệm vụ này nhằm hỗ trợ quá trình lập bảng lương, chi trả lương và thực hiện các chế độ bảo hiểm với độ chính xác tối đa.
Dưới đây là vai trò của một kế toán tiền lương:
Thanh toán tiền lương đúng hạn: Đảm bảo tính chính xác về số giờ làm việc, lương chính và khoản phụ cấp, khoản trừ theo quy định của công ty, đáp ứng đúng thời hạn thanh toán đã thỏa thuận giữa công ty với nhân viên như trong hợp đồng lao động.
Chính sách công ty thực hiện đúng theo quy định văn bản của pháp luật về các khoản thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN), bảo hiểm xã hội(BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và các khoản khác.
Hỗ trợ cho bộ phận nhân sự trong việc thu nhận và xử lý thông tin tiền lương một cách hiệu quả nhất.
Kế toán tiền lương có vai trò tuân thủ quy định pháp luật, chính sách công ty liên quan tới tiền lương cho các bên liên quan như sở thuế, cơ quan quản lý và lãnh đạo của công ty.

2. Mức lương của việc làm kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương là vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, chịu trách nhiệm tính toán, quản lý lương thưởng, bảo hiểm và các chế độ đãi ngộ cho nhân viên. Mức lương của công việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, quy mô doanh nghiệp, ngành nghề hoạt động và khu vực làm việc. Dưới đây là mức lương dao động của kế toán tiền lương:
Mức lương theo kinh nghiệm:
Vị trí kế toán tiền lương | Mức lương dao động (VNĐ/tháng) |
Kế toán tiền lương (mới ra trường) | 5.000.000 - 8.000.000 |
Kế toán tiền lương (1-3 năm kinh nghiệm) | 8.000.000 - 13.000.000 |
Kế toán tiền lương ( 3-5 năm kinh nghiệm) | 13.000.000 - 20.000.000 |
Kế toán tiền lương ( trên 5 năm kinh nghiệm) | 20.000.000 - 29.000.000 |
Mức lương theo cấp bậc:
Vị trí kế toán tiền lương | Mức lương dao động (VNĐ/tháng) |
Thực sinh kế toán tiền lương | 2.000.000- 4.000.000 |
Nhân viên kế toán tổng | 6.000.000 - 8.000.000 |
Chuyên viên kế toán tiền lương | 8.000.000 - 12.000.000 |
Trưởng nhóm kế toán tiền lương | 12.000.000 - 15.000.000 |
Trưởng phòng kế toán tiền lương | 15.000.000 - 30.000.000 |
3. Nhiệm vụ của kế toán tiền lương doanh nghiệp

Kế toán tiền lương cần đảm bảo những nhiệm vụ quan trọng về các khoản tiền lương, khoản trích lương một cách chính xác, đầy đủ cho tổ chức/doanh nghiệp:
-
Ghi nhận và phản ánh một cách nhanh chóng và đầy đủ về tình hình lao động bao gồm có số lượng, chất lượng, thời gian làm việc và kết quả lao động.
-
Đảm bảo tính toán chính xác, đúng quy định về tiền lương, tiền thưởng và các khoản trợ cấp cho người lao động.
-
Xây dựng thang bảng lương để dựa vào đó tính lương cho nhân viên và nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm. Kiểm tra việc thực hiện chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và kinh phí công đoàn.
-
Kiểm tra việc sử dụng quỹ tiền lương, quỹ BHXH, BHYT, KPCĐ, đồng thời phân bổ các khoản trích này vào chi phí sản xuất kinh doanh một cách chính xác, đúng đối tượng.
-
Lập báo cáo về lao động, tiền lương, bảo hiểm theo phạm vi trách nhiệm của kế toán, đồng thời phân tích tình hình sử dụng lao động và quỹ tiền lương, BHXH, BHYT, KPCĐ để hỗ trợ quản lý hiệu quả.
4. Mô tả công việc của việc làm kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương tập trung vào việc quản lý và thực hiện các công việc liên quan đến chi trả lương trong doanh nghiệp. Một số công việc của vị trí kế toán tiền lương bao gồm:
Theo dõi bảng chấm công cho CBNV:
- Ghi chép lại số giờ vào/ra, số giờ làm việc, ngày nghỉ không lương/ngày nghỉ phép của CBNV trong tổ chức hoặc doanh nghiệp.
- Giám sát, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm công, bao gồm điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi thông tin khi cần thiết.
- Lập báo cáo về tình hình chấm công cho các bộ phận liên quan. Kiểm tra và xác nhận độ chính xác của bảng chấm công.
- Tổng hợp và lập báo cáo về tình hình chấm công để gửi đến các bộ phận liên quan.
Tính tiền lương và các khoản trích lương:
- Tính toán các khoản trợ cấp, phụ cấp và các khoản khấu trừ theo lương như thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và các khoản theo quy định pháp luật.
- Kiểm tra độ chính xác của các khoản lương, trợ cấp và khấu trừ để đảm bảo tính toán đúng.
- Chuẩn bị và cung cấp thông tin về lương, thuế thu nhập cá nhân cho các cơ quan chức năng khi cần thiết.
Nộp đầy đủ loại phí bảo hiểm theo quy định: Sau khi hoàn tất việc tính toán các khoản trích theo lương, kế toán tiền lương sẽ thực hiện việc nộp các khoản này và ghi nhận bút toán như sau:
- Nợ TK 3382: Kinh phí công đoàn 2%
- Nợ TK 3383: Bảo hiểm xã hội 25,5%
- Nợ TK 3384: Bảo hiểm y tế 4,5%
- Nợ TK 3389: Bảo hiểm thất nghiệp 2%
- Có TK 112: Tổng số tiền bảo hiểm phải nộp 34%.
Theo dõi việc tạm ứng lương của CBNV:
- Xác định nhu cầu tạm ứng lương của cán bộ nhân viên.
- Chuẩn bị biên bản tạm ứng lương cho từng cá nhân có yêu cầu.
- Kiểm tra thông tin đầy đủ và chính xác trong biên bản tạm ứng.
- Thực hiện chi trả tạm ứng lương theo phương thức thanh toán phù hợp.
- Ghi nhận các bút toán và cập nhật vào hệ thống kế toán liên quan đến tạm ứng lương.
Hạch toán tiền lương và khoản trích lương:
- Ghi chép và phản ánh các khoản lương, trợ cấp cùng các khoản khấu trừ theo lương vào hệ thống kế toán của công ty.
- Rà soát, kiểm tra các bút toán liên quan đến tiền lương và các khoản trích theo lương chính xác và theo quy định kế toán.
- Lập báo cáo tài chính về tiền lương và các khoản trích nộp để trình lên cơ quan quản lý và kiểm toán.
Nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ theo quy định:
- Dựa trên quy định pháp luật, kế toán tiền lương sẽ thực hiện tính toán số thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải nộp. Bút toán hạch toán như sau:
- Nợ TK 334: Thuế thu nhập cá nhân phải nộp
- Có TK 3335: Thuế thu nhập cá nhân cần phải nộp
Nộp bảo hiểm tại cơ quan bảo hiểm:
Hạch toán kế toán gồm các khoản như sau:
- Nợ TK 3383, 3384, 3389: Các khoản phải nộp cho Nhà nước.
- Có TK 111, 112: Tổng số tiền đã nộp
Báo cáo các nhiệm vụ phát sinh:
- Chuẩn bị và trình bày các báo cáo định kỳ theo tháng, quý, năm về tiền lương và các khoản trích theo lương cho ban lãnh đạo và các cơ quan chức năng.
- Hỗ trợ và tham gia vào quá trình kiểm toán nội bộ hoặc kiểm toán độc lập liên quan đến lương và các khoản khấu trừ theo quy định.
5. Quy trình làm việc của kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương thực hiện nhiều quy trình khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là quy trình chi trả lương cho người lao động. Quy trình làm việc của kế toán tiền lương cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Bộ phận chấm công theo dõi và ghi nhận thời gian làm việc của nhân viên mỗi ngày.
Bước 2: Kế toán căn cứ vào dữ liệu chấm công để tính toán tiền lương cho nhân viên.
Bước 3: Kế toán tiền lương lập bảng thanh toán chi tiết, bao gồm lương, thưởng và các khoản khấu trừ, sau đó trình kế toán trưởng kiểm tra. Nếu đạt yêu cầu, bảng lương sẽ được gửi lên Giám đốc để phê duyệt. Trong trường hợp chưa chính xác, bảng lương sẽ được trả lại để chỉnh sửa.
Bước 4: Giám đốc xem xét, ký duyệt bảng lương và chuyển lại cho kế toán trưởng, sau đó gửi về bộ phận kế toán tiền lương.
Bước 5: Kế toán tiền lương thực hiện chi trả lương cho nhân viên theo bảng lương đã được phê duyệt.
Bước 6: Nhân viên nhận lương và ký xác nhận hoàn tất quá trình thanh toán.

6. Yêu cầu trình độ, kỹ năng của kế toán tiền lương
Để thực hiện tốt công việc của kế toán tiền lương trong doanh nghiệp, bạn cần nắm chắc kiến thức chuyên môn, quy định pháp luật và những kỹ năng cần thiết.
Trình độ học vấn và bằng cấp:
-
Tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành Kế toán, Tài chính, Kiểm toán hoặc các lĩnh vực liên quan.
-
Nắm vững các quy định pháp luật về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và Luật Lao động.
Kiến thức chuyên môn:
-
Hiểu rõ các nguyên tắc và quy định kế toán, đặc biệt là trong lĩnh vực tiền lương và bảo hiểm xã hội.
-
Thành thạo cách tính lương, phụ cấp, thưởng và các khoản trợ cấp khác.
-
Am hiểu các quy định pháp luật liên quan đến tiền lương và chế độ bảo hiểm để đảm bảo tính chính xác và tuân thủ quy định.
Kỹ năng sử dụng các phần mềm kế toán:
-
Thành thạo các công cụ tính toán như Excel và các phần mềm kế toán chuyên dụng để xử lý dữ liệu lương.
-
Biết sử dụng các phần mềm kế toán phổ biến như MISA, FAST, SAP, đặc biệt là các chức năng liên quan đến tính lương.
Am hiểu luật lao động và pháp luật thuế:
-
Nắm vững các quy định pháp luật về lao động và thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo việc tính toán và quản lý lương đúng quy định.
-
Cập nhật thường xuyên các chính sách và quy định mới liên quan đến tiền lương và bảo hiểm.
Kỹ năng phân tích dữ liệu và xử lý số liệu:
-
Công việc kế toán tiền lương đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và cẩn thận để tránh sai sót khi tính toán lương và các khoản khấu trừ.
-
Có khả năng phân tích dữ liệu, đối chiếu số liệu để phát hiện và xử lý sai lệch kịp thời.
Khả năng giao tiếp và làm việc nhóm:
-
Thường xuyên làm việc với nhân sự, cấp quản lý và cơ quan nhà nước, do đó cần có kỹ năng giao tiếp tốt để trao đổi và xử lý các vấn đề liên quan đến lương.
-
Khả năng làm việc nhóm hiệu quả để phối hợp với các bộ phận khác trong doanh nghiệp.

7. Các chứng từ phổ biến sử dụng trong kế toán tiền lương
Trong quá trình thực hiện công việc, bộ phận kế toán tiền lương cần sử dụng nhiều loại chứng từ để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Các tài liệu quan trọng được sử dụng bao gồm:
-
Bảng chấm công: Theo dõi và ghi nhận số ngày công, giờ làm việc của nhân viên.
-
Bảng tạm ứng lương: Ghi nhận các khoản tạm ứng lương của nhân viên trong doanh nghiệp.
-
Phiếu tạm ứng lương: Chứng từ xác nhận việc tạm ứng lương cho nhân viên.
-
Bảng thanh toán lương và bảo hiểm xã hội (BHXH): Ghi chép tổng hợp tiền lương, các khoản bảo hiểm phải đóng theo quy định.
-
Bảng kê chi tiết phụ cấp: Thống kê các khoản phụ cấp của nhân viên theo từng tháng.
-
Phiếu lương: Cung cấp thông tin chi tiết về lương thực nhận của nhân viên.
-
Bảng lương chuyển khoản: Danh sách tiền lương được chuyển khoản qua ngân hàng.
-
Báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Tài liệu báo cáo thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
-
Các báo cáo liên quan đến BHXH: Tổng hợp dữ liệu bảo hiểm để báo cáo với cơ quan chức năng.
Ngoài các tài liệu trên, kế toán có thể cần bổ sung thêm chứng từ như quyết định cử công tác, hóa đơn thanh toán chi phí công tác… tùy vào từng trường hợp cụ thể theo quy định của doanh nghiệp..
Kế toán tiền lương là người có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người lao động về khoản lương và duy trì hoạt động tài chính ổn định cho doanh nghiệp. Việc nắm vững các nguyên tắc kế toán, chính sách lương thưởng và bảo hiểm không chỉ giúp kế toán tiền lương thực hiện tốt công việc mà còn góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhân sự trong doanh nghiệp. Nếu bạn mong muốn tìm việc làm kế toán với mức thu nhập hấp dẫn đừng quên theo dõi Job3s.com.vn nhé!